Vui lòng đợi…
Hotline: 0934 797 282
Số 440 Đường Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh, TpHCM

NHÀ BỊ LÚN & NHỮNG GIẢI PHÁP , XỬ LÝ LÚN NGHIÊNG

 


Tình trạng nhà bị nứt có nhiều nguyên nhân, không hẳn vì lún mà bị nứt; thậm chí có nhà lún nhưng không nứt. Chẳng hạn lô IV cư xá Thanh Đa, xây dựng xong năm 1974 đã xuất hiện lún và lún lệch nhưng vẫn không bị nứt. Nứt thường có 3 nguyên nhân: vật lý, cơ học và thi công. Mặt cơ học là do lún hay tính toán kết cấu thiếu, bị võng hệ đà; nguyên nhân này rất ít xảy ra. Nứt phần lớn nằm ở khâu vật lý, do nhiệt; ví dụ, nhà hướng tây, dưới tác động của nắng gắt làm cho độ co giãn của tường và cửa gỗ khác nhau gây nứt. Nguyên nhân gây nứt về mặt thi công có nhiều như xây tô sai kỹ thuật, gạch không được nhúng nước trước khi xây hay tường để quá khô ráo khi tô vữa; hoặc chất lượng gạch không được tốt; hoặc sơn nước không đúng phương pháp chỉ dẫn của nhà sản xuất. Lắm khi tường và sàn đúc xây mác quá cao, cho nhiều xi măng cũng gây nứt.


Lún do kết cấu sai


Do thiết kế kết cấu, vì không lường hết được các yếu tố, chung nhất là tính sai lực lún xuống nhiều mà giải quyết móng không hợp lý. Ví dụ, ngôi nhà lầu 6-7 tầng ở phường 25, Bình Thạnh, thay vì phải đóng cừ tràm trên móng bè lại làm móng băng nên gây lún. Trường hợp khác, nhà bị lún lệch nghiêng sang một bên, ta thường nghĩ rằng nền đất xấu. Trước khi nhìn xuống nền đất, chúng ta hãy nhìn lên lầu, có nghĩa là cần xem xét lực tác dụng xuống móng ra sao. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà bị lún lệch hầu hết đều nghiêng về phía ban công bên hông nhà. Điều này do lực của ban công tác dụng, nên lực tại cột có ban công thường lớn hơn lực ở bên trong (nhiều khi gấp đôi hoặc hơn). Mà người thiết kế khi tính lực thường hay bỏ qua tác dụng tăng thêm lực đứng của mô-men ban công. Từ đó tính lực của cột không đúng, tính diện tích móng không đúng dẫn đến phản lực đất nền không hợp lý và cuối cùng là lún không đều.


Lún do cấu tạo sai


Chẳng hạn, dùng cát phủ trên đầu cừ tràm là một việc làm tai hại. Hiện trong thực tế các nhà xây dựng thường có giải pháp đóng xong cừ tràm phải phủ trên đầu cừ một lớp cát dày 10 cm, có nơi còn lót 20 cm hay hơn nữa. Công việc này có thể gây lún công trình vì dưới áp lực đáy móng, cát có thể chui xuống bùn bên dưới hay chui vào lớp bê tông lót có độ rỗng bên trên. Hoặc do dòng chảy, cát có thể chuyển dịch; hay do công trình kề cận đào móng, lớp cát phủ đầu cừ này có thể bị sụp lở. Cũng có thể chiều dày lớp cát đệm thi công không đều nhau, có thể tạo lún không đều. Ngoài ra, việc phủ cát làm móng không liên kết với khối cừ tràm nên độ cứng nền móng bị giảm yếu, do đó có thể bị rung động khi xe chạy gần bên cạnh. Mặt khác, do ảnh hưởng của lực xung động, lớp cát đệm này có thể bị chảy, làm gia tăng độ lún và sự rung động công trình. Vì vậy nhất thiết phải đặt đầu cừ tràm vào lớp bê tông lót để lực đứng và lực ngang truyền từ móng sang khối cừ tràm, để móng và cừ tràm tạo thành một khối chịu lực, không có lớp cát đệm trung gian.
Nguyên nhân khác cũng có thể gây lún là do dùng bê tông lót đá 4-6. Thông thường người ta dùng lớp bê tông đá 4-6 để lót trước khi đặt thép đổ bê tông móng với đá 1-2. Trong thực tế thì lớp bê tông này thường làm "qua quít" bằng việc xếp đá rồi dùng vữa xi măng tô lên phía trên, đầm tay sơ sài. Từ đó lớp lót này không thể gọi là lớp bê tông được vì có nhiều lỗ rỗng. Có thể tạo ra sự lún do lớp lót, vì đất dưới đáy móng chui lên chiếm chỗ rỗng trong bê tông đá 4-6. Mặt khác, nếu về sau bên cạnh có công trình thi công, khi đào móng có thể gây phá lớp bê tông lót này, gây lún thêm. Do đó nên dùng bê tông lót đá 1-2 trộn và đổ tại chỗ. Có chủ nhà chọn lớp bê tông lót đá 4 - 6 dày 200mm là không hiệu quả và tốn kém mà gây bất tiện cho thi công và có thể làm kém an toàn cho công trình. Không được dùng bê tông gạch vỡ làm móng vì chất lượng gạch còn kém hơn đá 4-6.


Nhà lún do thi công – lún kiểu domino khi xây chen


Ngoài ra, thi công "qua loa", không đúng kỹ thuật hay làm gian dối cũng là những nguyên nhân gây lún. Có trường hợp xây nhà trên đường Nguyễn Thái Bình, Q.1 đào tầng hầm, khoét rộng làm "rỗng ruột" nhà bên cạnh gây sập. Cần phải có biện pháp chống đỡ hữu hiệu hoặc thi công từng móng; thực hiện theo dạng cuốn chiếu. Những khu vực xây đồng bộ cùng lúc thường không can hệ, nhưng xây chen thì dễ gây lún nếu không có giải pháp đúng đắn.

Thời gian gần đây, một số nhà liên kế tại khu vực Bình Thạnh đã bị lún nghiêng, nguyên nhân có thể mô tả như sau: căn nhà A quy mô 2 tầng, xây trước. Căn nhà B xây sau cũng 2 tầng sát bên cạnh, đã đào móng làm lún và nghiêng nhà A; rồi gây lún và nghiêng chính nhà B. Nhận xét, có thể nhà A xây dựng móng cạn hay diện tích móng nhỏ hay dùng bê tông bằng đá 4-6, hay đệm một lớp cát dày trên đầu cừ tràm. Dù nhà A đang ngồi trên "thùng xăng”, sẽ vẫn ổn định cho đến ngày nhà B mang "lửa" tới bằng cách đào móng bằng hay sâu hơn nhà A. Thời gian đào đất và thi công móng kéo dài đã làm hư hỏng, sụt lở lớp bê tông lót đá 4 - 6, lớp cát đệm và đất nền của móng nhà A. Móng nhà A bị lún, nghiêng sang nhà B, "tì vai" lên nhà B bằng lực đẩy ngang và nhà B cũng bị lún nghiêng.
Muốn chống hoặc khắc phục lún, phải biết rõ nguyên nhân mới có biện pháp khắc phục hiệu quả. Lắm khi phải chờ đến vài năm sau cho lún tắt dần, đến lúc “bão hòa" không còn bị lún nữa. Việc phải gia cường móng là biện pháp tích cực. Để khắc phục lún lệch, có thể hạ cột phía cao xuống hoặc phải đôn phía cột thấp lên.

© Copyright 2019 CHỐNG LÚN CHỐNG NGHIÊNG. All rights reserved. Design by nina.vn
Đang online: 4 | Truy cập tháng: 1395 | Tổng truy cập: 107427
chat facebook
chat zalo
Chonglunchongnghieng